Trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư xem giáo dục Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, tham gia vào lĩnh vực này khá mạnh mẽ. Dù nhiều cơ hội, lợi nhuận cao nhưng cũng có không ít thách thức, nhiều nhà đầu tư đã thất bại đành chia tay lĩnh vực tưởng “dễ ăn” này…
Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Thiên Hà Xanh là một trong những doanh nghiệp đầu tư vào mảng công nghệ giáo dục, ứng dụng công nghệ ngành giáo dục (edtech & elearning). Giám đốc Nguyễn Trí Hiển cho rằng: “Đầu tư cho giáo dục được coi là đầu tư có lãi lớn nhất cho tương lai của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, mỗi gia đình, dòng tộc và mỗi cá nhân. Thiên Hà Xanh triển khai elearning từ những năm 2004, đến năm 2009 bắt đầu tham gia sâu và phát triển đầu tư”.
Nhiều trường tư được đầu tư cơ sở vật chất tốt để thu hút học sinh. Ảnh: Hương Giang
Đừng đầu tư khi chưa hiểu về ngành
Theo ông Hiển, giai đoạn đầu, nhiều người có tâm lí khá e ngại trong việc chi trả tiền học online, nên thị trường trải qua giai đoạn phá băng và định hướng người dùng. Phải mất 5-6 năm, thị trường elearning mới bùng nổ và hấp dẫn như hiện nay.
Ông Nguyễn Trí Hiển, Giám đốc Công ty Công nghệ Giáo dục Thiên Hà Xanh. Ảnh: HG
“Thị trường công nghệ giáo dục (edtech) đang phát triển mạnh mẽ. Tính trên tổng đầu tư toàn thế giới, 5 năm qua gần như lượng tiền năm sau đầu tư lớn hơn 2 lần năm trước. Tổng đầu tư vào thị trường này năm 2018 là hơn 16 tỉ USD. Ở Việt Nam, những năm gần đây thị trường công nghệ giáo dục rất được quan tâm, nhiều dự án đã gặt hái được những quả ngọt nhất định”, ông Hiển chia sẻ.
Tuy nhiên theo ông Hiển, trong lĩnh vực này cũng có không ít nhà đầu tư gặp thất bại. Có 3 nguyên nhân lớn được ông chỉ ra. Thứ nhất, các doanh nghiệp đầu tư khi chưa hiểu về ngành, nghề, lĩnh vực mà mình sẽ đầu tư. Họ chạy theo xu hướng và không đầu tư đúng. Thứ hai, đầu tư vào phân khúc quá nhỏ, độ cạnh tranh cao. Thứ ba, tâm lí nóng vội khi đầu tư giáo dục và muốn có kết quả ngay.
Để đầu tư thành công trong lĩnh vực giáo dục, ông Hiển cho rằng doanh nghiệp phải chọn đúng ngách thị trường, mảng kinh doanh có nhu cầu lớn. Thứ nữa, sản phẩm có điểm khác biệt, tạo ra lợi thế cạnh tranh cao, và các doanh nghiệp phải kiên trì với thị trường.
Việt Nam đang bùng nổ giáo dục tư nhân. Các nhà đầu tư đều nhìn thấy một thị trường hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trên 60% ở độ tuổi dưới 35 và dân số ở độ tuổi đi học... Những người trẻ này có tư tưởng tiến bộ, sẵn sàng tiếp nhận phương pháp học mới thay thế cách học truyền thống có phần cứng nhắc và tính thực tiễn không cao.
Công ty khảo sát nghiên cứu thị trường Taylor Nelson chỉ ra rằng, 47% chi tiêu của người Việt Nam dành cho giáo dục. Các gia đình luôn sẵn sàng chi lớn, thậm chí “nhịn ăn nhịn chơi” để đầu tư giáo dục cho con cái và xác định đó chính là đầu tư cho tương lai. Đây là cơ hội lớn để các thành phần kinh tế đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.
Đầu tư giáo dục là việc dài hạn
Nhiều cơ hội lớn đang chờ đón các doanh nhân. Ảnh: HG
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English) cho rằng, khá dễ dàng để tìm kiếm dịch vụ giáo dục cơ bản ở Việt Nam hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đơn giản chỉ quan tâm đến việc thị trường muốn gì, thiết kế dịch vụ theo nhu cầu đó rồi bán thu tiền. Nhưng đa số nhu cầu này được xây lên từ những hiểu biết hạn chế của cộng đồng do chính nền giáo dục cũ gây ra, nên bị méo mó sai lệch.
“Làm doanh nhân nên gắn bài toán kinh doanh vào việc giải quyết các vấn đề của xã hội. Tôi từng trăn trở tại sao người Việt học nhiều, học cả ở trường lẫn học thêm trung tâm mà không nói được tiếng Anh. Nếu tôi cũng cung cấp dịch vụ tương tự, chỉ cạnh tranh về giá hay cơ sở vật chất thì chắc chắn không giải quyết được vấn đề. Lời giải nằm ở phương pháp”, ông Thủy chia sẻ.
Chị Nguyễn Thanh Hà, giám đốc một chuỗi trường mầm non theo chuẩn quốc tế ở Hà Nội cho biết, chị đầu tư mở trường với số vốn hàng tỉ đồng. Mặc dù cơ sở vật chất tốt và phương pháp đào tạo ưu việt, nhưng số lượng học sinh theo học vẫn rất thấp. Đây không phải là vấn đề duy nhất chị đối diện. Do không có kinh nghiệm về quản trị nên trường của chị Hà gặp khủng hoảng lớn liên quan tới quản lí tài chính, quản lí giáo viên, khiến cơ sở đầu tiên không duy trì được quá 6 tháng.
Chị Hà đã thuê tư vấn về marketing và quản trị giúp trường vận hành tốt hơn. Chị còn đăng kí học các khóa đào tạo về quản trị để nâng cao kĩ năng của bản thân. Nhờ kiến thức mới được thu nhận và rút kinh nghiệm từ sai lầm cũ, hiện nay chị Hà đã mở thêm 2 cơ sở.
Ông Nguyễn Trí Hiển nhấn mạnh, giáo dục là một trong những thị trường luôn tăng trưởng và phát triển theo thời gian. Có thể thị trường biến đổi theo hình thức này hay hình thức khác, nhưng nếu nắm được dòng chảy thị trường, thì việc đầu tư vào giáo dục rất ổn định và bền vững.
Theo ông Hiển, để đầu tư thành công trong mảng giáo dục, các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ về phân khúc và nội dung mình dự định đầu tư; lựa chọn được sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, đầu tư giáo dục là việc dài hạn, uy tín, vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị đúng và đủ nguồn lực cho mình.
Giáo dục là ngành khá ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều bởi chu kì kinh doanh. Vấn đề quan trọng là nhà đầu tư đáp ứng phân khúc nào của giáo dục và khả năng mở rộng trong tương lai ra sao.
“Những cơ hội lớn đang chờ đón các doanh nhân có tâm, có tầm chinh phục thị trường tiềm năng, rộng lớn và đa dạng như giáo dục. Quan trọng nhất là kinh doanh đúng cách bằng nỗ lực đem lại sản phẩm tốt nhất, chắc chắn sẽ thành công”, ông Hiển nhấn mạnh.
Theo DOANH NHÂN TRẺ
https://doanhnhantrevn.vn/dau-tu-giao-duc-nam-duoc-dong-chay-se-thang-172324.html
https://thegioitiepthi.vn/dau-tu-giao-duc-nam-duoc-dong-chay-se-thang-172218.html
Nguyễn Trí Hiển
www.nguyentrihien.com
2019
edtech | elearning | giáo dục trực tuyến | startup | mentor | đầu tư giáo dục | educoin
Home elearning Đầu tư giáo dục: Nắm được dòng chảy sẽ thắng (trao đổi cùng tạp chí DOANH NHÂN TRẺ)
Đầu tư giáo dục: Nắm được dòng chảy sẽ thắng (trao đổi cùng tạp chí DOANH NHÂN TRẺ)
By Nguyễn Trí Hiển At 11/28/2019 03:44:00 PM 0