Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu học tập của mọi người ngày càng lớn, hệ thống trường lớp tuy đã được đầu tư phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng song cũng không thể đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người học.
Từ đó, giáo dục trực tuyến ra đời và nhanh chóng trở thành một phương thức học tiện lợi cho nhiều người. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập chưa được giải quyết xung quanh loại hình đào tạo này.
Thực trạng chung
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay khá nhiều học sinh lựa chọn hình thức luyện thi trực tuyến. So với việc phải “ngồi đồng” và chen lấn trong các lớp học thêm, các em có thể học ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần có một chiếc máy tính có kết nối internet là được. Việc ôn thi ngay trong nhà mình, chẳng phải đi đâu xa sẽ giúp học sinh tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Mỗi ngày, sau khi đi học về, mỗi học sinh chỉ cần dành ra khoảng 1 – 2 tiếng để luyện trắc nghiệm trên mạng hay vào những trang web, fanpage giáo dục chia sẻ kiến thức để tìm đề thi mà thôi
Cho dù được coi là một xu hướng học tập hiện đại với rất nhiều ưu điểm nhưng điều đó không có nghĩa là đào tạo trực tuyến không có những vấn đề cần khắc phục.
Với các website luyện thi đại học, chỉ cần các bước đơn giản để đăng ký một tài khoản cố định trên trang web, học viên có thể tham gia học không giới hạn các môn học của nhiều giảng viên uy tín. Mặc dù vậy, mức học phí ôn thi lại đang là một trở ngại không nhỏ với học viên. Tại một vài trang web luyện thi hiện nay, bài giảng được bán theo khóa học và học sinh nào muốn tham gia phải đóng một khoản phí trọn gói không hề nhỏ. Điều này khiến một bộ phận các em học sinh không được tiếp cận với những tính năng tiện lợi của giáo dục trực tuyến.
Học online rất phù hợp với những học sinh có tinh thần tự học cao cùng với nền tảng kiến thức vững vàng. Tuy nhiên với những học sinh học chưa tốt, ham chơi game thì luyện thi trực tuyến sẽ là con đường nhanh nhất đưa đến thất bại. Tham gia học trực tuyến đồng nghĩa với các em sẽ được tự do học tập mà không chịu sự quản lý hay nhắc nhở của ai. Chỉ cần học sinh mất tập trung là dễ sa đà vào hoạt động lướt web, chơi game và lơ là việc học tập của mình.
Em Nguyễn Xuân Quỳnh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) nhận xét:” Em thấy học trực tuyến là một hình thức luyện thi tốt, giúp tiết kiệm cho chúng em thời gian và công sức đi lại. Tuy nhiên chi phí hiện giờ cũng chưa được rẻ và hợp lý, không phải học sinh nào cũng có điều kiện đóng tiền học online trọn gói và việc phải học hết một khóa cũng hơi gò bó. Em muốn học theo tháng để có thể chủ động về thời gian hơn”.
Đặc thù của học trực tuyến là người học sẽ ôn tập kiến thức trên máy tính qua môi trường mạng internet, do vậy không có được sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Học viên không có được sự tư vấn và theo sát từ giáo viên. Học sinh không được cung cấp bài tập và hướng dẫn giải chi tiết sau mỗi bài học. Chức năng thi thử trên các trang luyện thi diễn ra một chiều, học sinh không được đánh giá kết quả học tập sau mỗi khóa học, những điều này vô tình khiến cho chất lượng ôn tập của học sinh không cao dẫn tới việc các em tuy học rất chăm trên mạng nhưng lại không có đủ kiến thức và kĩ năng cho những kì thi quan trọng. Đây là điều mà các bậc phụ huynh hết sức lo ngại khi chấp nhận cho con em mình theo học online.
Chia sẻ về những điều này, cô Nguyễn Thị Hoa (Phụ huynh học sinh) cho biết:”Khi em xin cô học luyện thi trực tuyến với các bạn, cô cũng đồng ý cho em học nhưng vẫn duy trì học gia sư. Điều cô băn khoăn nhất về hình thức học này chính là vẫn chưa có ai giám sát việc học hành của các em và chất lượng dạy của giáo viên như thế nào. Cô cũng không thể ở nhà quản lí suốt ngày được nên để em học tự do như thế này không biết có đạt kết quả tốt không”.
Có thể thấy sự lo ngại của phụ huynh học sinh về chất lượng dạy học và quản lí của giáo viên không phải là không có cơ sở. Trên các website luyện thi đều có những quảng cáo rất hay về những giáo viên, chuyên gia luyện thi Đại học nổi tiếng. Tuy nhiên các bậc cha mẹ lại không có cơ sở để xác minh đánh giá xem mình con em mình có được học cùng với giáo viên có chất lượng hay không. Cùng với đó, chất lượng dạy của các trang học online chủ yếu tự nâng tầm lên, không có được sự kiểm định và bảo đảm yêu cầu từ các cơ quan quản lý. Điều này khiến cho nhiều thầy cô có tiếng cũng không khỏi “giật mình” về sự tràn lan của giáo dục trực tuyến hiện nay khiến cho học sinh như lạc vào “mê hồn trận”, mất phương hướng trong việc ôn tập.
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp khi đầu tư vào loại hình giáo dục này đều chú trọng tập trung kinh doanh, chưa có được sự quan tâm đúng mức đối với chất lượng dạy và học. Trên bất kì các trang mạng trực tuyến nào cũng có nhiều mẫu quảng cáo hấp dẫn, thậm chí là những chiêu trò dụ dỗ, câu khách ngoài phạm vi giáo dục dễ khiến người học mất định hướng và không đạt được hiệu quả cao.
Học trực tuyến, cần lối đi nào để khắc phục những mặt hạn chế?
Nhìn sang những nước có nền giáo dục phát triển như Hàn Quốc, Singapore, mô hình giáo dục qua mạng được định hướng chuyên sâu với rất nhiều tính năng như: mức phí thấp tùy từng môn học, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm theo sát và đánh giá học sinh hàng tháng… Đây là những hướng đi mới được thay đổi so với mô hình cũ nhằm tăng tính chủ động và tương tác với học viên. Học sinh được học và kiểm tra định kì mỗi tháng, được bám sát ngay trong chương trình học và có thể thay đổi giáo viên nếu thấy không phù hợp.
Nhận xét về mô hình đào tạo trực tuyến của Hàn Quốc, anh Hoàng Tuấn Anh (Du học sinh tại Hàn Quốc vừa về nước) cho biết: “Mình du học ở Hàn Quốc cũng biết tới chương trình học của họ, mô hình này có rất nhiều tính năng hay và quan trọng là có sự tương tác và bám sát giữa giáo viên và học viên. Đây là điều Việt Nam cần có để tăng chất lượng dạy học qua mạng”.
Có thể thấy, với những bất cập hiện giờ cần thiết chúng ta phải có những nâng cấp, thay đổi trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Việc áp dụng những mô hình tiên tiến của những nước có nền giáo dục phát triển là điều nên làm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và phát huy hết được những tiện ích học tập của việc học online.
Ở nước ta hiện nay có rất nhiều trung tâm giáo dục trực tuyến được mở ra, tuy nhiên phần lớn đều không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Hi vọng trong thời gian tới sẽ có những đơn vị ra mắt đáp ứng được chất lượng và nhu cầu học tập ngày một cao của học sinh
Sưu tầm,
DanTri | TWenty