Vụ án đầu tiên trong lĩnh vực Giáo dục trực tuyến!


Hành trình phá án vụ sinh viên công nghệ thông tin đánh cắp mã nguồn

(Dân trí) - Âm thầm ăn cắp mã nguồn cơ quan cũ chuyên về học tiếng Anh trực tuyến trên mạng Internet tại Hà Nội, Quách Công Sơn đã mở công ty trong cùng lĩnh vực để chiếm đoạt tài sản từ việc bán mã thẻ cào với nhiều mệnh giá khác nhau.

Ngày 18/9/2012, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã phát hiện, bắt quả tang 3 đối tượng tham gia chiếm đoạt tài sản thông qua bán mã thẻ cào học tiếng Anh trực tuyến trên mạng Innernet gồm: Quách Công Sơn sinh năm 1986, Giám đốc công ty TNHH TM &DV Trải nghiệm mới, có hộ khẩu thường trú tại tổ 3, P. An Bình, TX Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk (Chỗ ở tạm trú phòng 208, nhà C1, Thanh Xuân Bắc, TP. Hà Nội); Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1987, nhân viên Công ty TNHH TM &DV Trải nghiệm mới, hộ khẩu thường trú Đội 3 Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội (Chỗ ở tạm trú số 6, ngõ 6, tổ 3, P. Phú Lâm, Hà Đông, Hà Nội); Nguyễn Thị Thu Trang (vợ Quách Công Sơn), sinh năm 1983, hộ khẩu thường trú Đội 3 Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội (Chỗ ở tạm trú phòng 208, nhà C1, Thanh Xuân Bắc, TP. Hà Nội).
 
Quách Công Sơn bị tạm giữ ở Cơ quan CSĐT
Quách Công Sơn bị tạm giữ ở Cơ quan CSĐT
Theo tường trình của Quách Công Sơn tại Cơ quan CSĐT, Sơn là sinh viên CNTT - trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 2 TP. HCM nhưng chưa tốt nghiệp. Năm 2008 Sơn vào làm việc tại công ty TNHH Hãy trực tuyến, chủ sở hữu website: “www.TiengAnh123.com”, do ông Nguyễn Hòa Bình làm Giám đốc. Công ty ký với Sơn hợp đồng lao động số 02/HĐLĐ ngày 15/12/2008 với chức danh Nhân viên lập trình. Công việc chính là lập trình website theo dự án của công ty.
Bắt đầu từ tháng 12/2008, Sơn cùng ông Bình (Giám đốc công ty TNHH Hãy trực tuyến) phát triển phần mềm SMBPro, là phần mềm quản trị nội dung cho trang web học tiếng Anh trực tuyến. Quách Công Sơn được giao trực tiếp viết mã nguồn của trang web: “www.TiengAnh123.com”, và tạo ra mã thẻ học tiếng Anh trực tuyến bán cho khách hàng.
Tháng 10/2009, chương trình phần mềm bắt đầu đưa vào sử dụng một phần. Cho đến tháng 9/2011, Tienganh123.com đã là 1 trang web học tiếng Anh trực tuyến với 2 triệu lượt truy cập/1 tháng và có các thẻ học tiếng Anh với mệnh giá khác nhau. Sau khi gửi các tệp nén chứa mã thẻ học tiếng Anh cho giám đốc Công ty TNHH Hãy trực tuyến qua mail, Sơn đã không thực hiện xóa cơ sở dữ liệu trong hộp thư điện tử của mình.
Cuối năm 2011, Sơn nảy sinh ý định ăn trộm các mã thẻ học tiếng Anh của công ty đem bán lấy tiền. Để thực hiện việc này, Sơn đã dùng cơ sở dữ liệu của web: “tienganh123.com”, khai thác mã thẻ còn lưu trong hộp thư của mình lọc ra khoảng 250 mã thẻ chưa bán cho khách.
Đầu năm 2012, Quách Công Sơn làm đơn xin nghỉ việc tại công ty TNHH Hãy trực tuyến. Trước khi bỏ việc, Sơn đã âm thầm đánh cắp bộ mã nguồn của web: “tienganh123”, sao chép trộm cơ sở dữ liệu của trang web.
Vào thời điểm Sơn đánh cắp mã nguồn, trong hệ thống dữ liệu còn hàng nghìn mã thẻ chưa bán có giá trị khoảng 2,1 tỷ đồng.
Trang website: tienganh123.com bị Quách Công Sơn đánh cắp mã nguồn
Website: tienganh123.com bị Quách Công Sơn đánh cắp mã nguồn
 
Lập công ty mới chiếm đoạt tài sản công ty cũ
Sau khi đánh cắp được mã nguồn, ngày 13/5/2012, Quách Công Sơn thành lập công ty TNHH TM&DV Trải nghiệm mới, có trụ sở tại số 6, ngõ 6, tổ 3, P. Phú Lâm, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, với ngành nghề kinh doanh đào tạo tiếng Anh trực tuyến qua hình thức bán thẻ cào như Công ty TNHH Hãy trực tuyến. Sơn tự viết ra mã thẻ cào học tiếng Anh trực tuyến cho trang web: “hocnhe.vn” của mình và đã bán được khoảng 96 mã.
Khi Sơn nghỉ việc, Website Tienganh123.Com vẫn phát triển bình thường và có số lượng người truy cập và học tập ngày càng lớn. Vì vẫn biết mật khẩu truy cập cơ sở dữ liệu, sau khi lập Công ty TNHH TM&DV Trải nghiệm mới Sơn đã truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu của công ty cũ, tiếp tục trộm cắp số mã thẻ được nạp vào cơ sở dữ liệu sau này.  Sơn lọc từ cơ sở dữ liệu của trang web: “tienganh123.com” lấy ra khoảng 1000 mã thẻ cào, rồi chuyển cho Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Thị Thu Trang rao bán trên mạng Internet.
Qua quá trình đấu tranh của các điều tra viên Đội 14, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, Sơn khai nhận từ tháng 4 đến ngày 25/8/2012, Sơn cùng đồng bọn đã bán cho khách 320 thẻ học tiếng Anh của công ty TNHH Hãy trực tuyến, với giá 150.000 đồng/1 thẻ. Trong đó Trang bán khoảng 300 thẻ, Tuấn bán 20 mã thẻ, tổng số tiền thu được từ việc bán thẻ gần 50 triệu đồng.
Do việc bán thẻ cào học tiếng Anh trực tuyến cho trang web: “hocnhe.vn” của Sơn không đăng ký mạng xã hội, nên ngày 23/8/2012, Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội ra quyết định xử phạt công ty TNHH TM&DV Trải nghiệm mới số tiền 20.000.000 đồng, đồng thời buộc đóng cửa web “hocnhe.vn” từ ngày 24/8/2012.
Sau quyết định đóng cửa của Sở Thông tin & Truyền thông, Quách Công Sơn đã rao bán bộ mã nguồn của web “hocnhe.vn” với giá 150 triệu đồng. Ngày 18/9/2012, khi Quách Công Sơn, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Thu Trang đang giao dịch bán bộ mã nguồn thì bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội phát hiện.
Theo DANTRI
===
Trang Web giáo dục trực tuyên Tiếng anh hàng đầu Việt Nam gặp sự cố này là cảnh báo cho các đơn vị kinh doanh GDTT. 2012 Thị trường đã khó, lòng người còn khó hơn.

Designed by OddThemes | Distributed by Gooyaabi Templates